Giá nhà đất tăng cao liên tục là một vấn đề nan giải tại Việt Nam. Trước thực trạng này, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã lên tiếng kêu gọi cải cách thuế bất động sản. VARS cho rằng, việc điều chỉnh chính sách thuế là một trong những giải pháp quan trọng để làm dịu cơn sốt đất và góp phần ổn định thị trường.
Giá bất động sản liên tục tăng cao, vượt xa mức thu nhập người dân
Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), chỉ số giá căn hộ chung cư trong quý 2/2024 tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã tăng lần lượt 58%; 27% so với quý 2/2019. Các dự án căn hộ thương mại bình dân đã hoàn toàn vắng bóng tại các đô thị.
Loại hình căn hộ trung cấp ngày càng khan hiếm, dần bị chiếm sóng bởi phân khúc cao cấp, hạng sang khi hơn 80% nguồn cung căn hộ mở bán tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mở bán trong năm 2024 có giá từ 50 triệu đồng/m2 trở lên. Nhiều dự án chung cư mới ra mắt có mức giá hàng chục nghìn USD trên 1m2. Giá bán sơ cấp căn hộ ở mức cao kéo theo giá chung cư cũ, căn hộ đã sử dụng lâu nă, được giao dịch với mức giá cao gấp đôi, gấp ba so với lúc bàn giao.
Theo VARS, giá bán đất nền cũng liên tục tăng cao. Nhiều tỉnh, thành ghi nhận hiện tượng đất nền pháp lý sạch “sốt nóng” cục bộ do hoạt động đầu tư trở lại hay do một số nhóm nhà đầu tư tạo cung, cẩu giả để đẩy giá. Một số tỉnh thành như Hải Dương, mức giá, đã vượt “đỉnh sốt” năm 2022.
VARS cho rằng, trong ngắn hạn, giá nhà ở sơ cấp sẽ khó giảm, nhất là phân khúc căn hộ – loại hình đáp ứng nhu cầu nhà ở chủ yếu tại các đô thị. Bởi trong bối cảnh nhu cầu về nhà đất, nhất là nhu cầu đầu tư không ngừng tăng, chủ đầu tư sẽ ưu tiên phát triển phân khúc cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, chi phí xây dựng tăng cao cùng với hạ tầng, tiện ích được đầu tư ngày càng chất lượng.
Hành lang pháp lý mới loại bỏ các chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính, buộc các chủ đầu tư còn lại trong “sân chơi” phải phát triển các đại đô thị đồng bộ hạ tầng, tiện ích, có sức lan tỏa lớn, đồng nghĩa với việc chi phí tăng cao, cũng khiến giá nhà khó hạ.
Đồng thời, việc thị trường chỉ còn lại các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, năng lực mạnh sẵn có hay có lợi thế tạo lập quỹ đất sẽ tiếp tục duy trì hiện tượng độc quyền nguồn cung, các chủ đầu tư lớn sẽ tiếp tục quyết định mức giá của thị trường, theo hướng cao hơn để tối đa hóa lợi nhuận.
Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản. Theo VARS, song song với việc thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội tại các đô thị, thúc đẩy phát triển hạ tầng kết nối, dịch chuyển nhu cầu về nhà ở từ vùng lõi trung tâm sang vùng lân cận – khu vực có nhiều lựa chọn với mức giá phải căng hơn, có nhiều dự án nhà ở xã hội dự kiến triển khai hơn. Nhà nước cần có cơ chế điều tiết nhằm giảm bớt yếu tố đầu cơ, giúp thị trường bất động sản cân bằng về mặt dài hạn.
Đánh thuế để ngăn đầu cơ, kìm giá bất động sản
VARS cho rằng, sắc thuế cần áp dụng với ngôi nhà thứ 2 trở lên. Việc người có nhiều tài sản, tài sản lại không ngừng sinh lời thì việc nộp thuế nhiều hơn là điều đương nhiên. Thực tế, hầu hết người mua nhà trong thời gian qua là người mua nhà thứ 2, thứ 3.
Đơn cử, tại Singapore, chính phủ nước này đã nâng thuế suất mua nhà gấp đôi với bất cứ người nước ngoài nào mua nhà, từ 30% lên 60%. Công dân Singapore khi mua căn nhà thứ 2 sẽ phải chịu mức thuế 20% (mức cũ 17%); còn người thường trú, mức thuế là 30%, tăng 5%. Ngoài ra, mức thuế cho công dân nước này khi mua từ bất động sản thứ ba trở lên cũng tăng từ 25% lên 30%.
Mức thuế có thể nâng cao dần với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn. Cũng tại nước này, bán ngay trong năm đầu sẽ phải đóng thuế 6% giá trị bất động sản, bán vào năm thứ 2 đóng thuế 8%, năm thứ 3 là 4% và sau năm thứ tư không bị áp thuế, phí này.
Hay nếu chủ sở hữu bất động sản không đưa bất động sản tham gia hoạt động kinh doanh, không triển khai xây dựng sau khi nhận đất thì bị đánh thuế. Như ở Hàn Quốc, đất bỏ hoang hoặc đang trong quá trình cải tạo đất quá 2 năm thì bị đánh thuế 5%, 5 năm thì đánh thuế 8%, bỏ hoang 7 năm thì đánh thuế 9%, bỏ hoang hơn 10 năm thì đánh thuế 10%. Tại Mỹ, đất bỏ hoang thì bị đánh thuế 3%…
Chính sách thuế này sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá nhà đất, bởi cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc sở hữu bất động sản đầu cơ trở nên rủi ro hơn.
Tuy nhiên, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho biết, việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường cũng gặp nhiều thách thức.
Theo đó, để sử dụng hiệu quả và minh bạch công cụ thuế, cơ quan quản lý Nhà nước thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản Việt Nam để làm căn cứ xác định đâu là ngôi nhà thứ hai, thứ ba… và giá trị của bất động sản áp thuế. Điều này đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ và nguồn nhân lực.
Đồng thời, cũng phải cân nhắc tác động tiêu cực có thể có, như việc đánh thuế có thể khiến sức mua giảm, dẫn đến các hệ lụy khác về lâu dài với nền kinh tế hoặc tạo ra các lỗ hổng pháp lý. Tuy nhiên, VARS cho rằng, bất cứ một chính sách nào khi mới đưa ra luôn có vướng mắc, vấn đề là phải cân nhắc “được – “mất”. Nếu được nhiều hơn mất thì nên làm và mọi cái vướng đều có thể tháo gỡ.